Địa danh Bắc Bình có trên bản đồ tỉnh Bình Thuận từ tháng 4/1951, trên cơ sở hợp nhất 03 huyện Hòa Đa, Phan Lý Chàm, Tuy Phong. Quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Bắc Bình nhiều lần thay đổi địa danh, đến đầu năm 1983, thực hiện Điều I của Quyết định số 204-HĐBT, ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số huyện và thị xã thuộc tỉnh Thuận Hải, đã tách huyện Bắc Bình thành 02 huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/6/1983, được xem là ngày tái lập huyện.
Huyện Bắc Bình lúc mới tái lập có 15 xã, trong đó có 14 xã thuộc huyện Bắc Bình cũ và xã Hồng Phong từ huyện Hàm Thuận chuyển qua, trụ sở huyện vẫn đóng tại xã Hải Ninh, đến tháng 02 năm 1991 cơ quan Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện dời về thị trấn Chợ Lầu. Là huyện miền núi, gồm 02 thị trấn và 16 xã; có diện tích đất tự nhiên là 186.882,08ha và 31.110 hộ/124.390 khẩu.
Bắc Bình - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử hơn 300 năm, 7 xã được phong tặng danh hiệu lực lượng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là nơi hội tụ của 17 dân tộc anh em như Kinh, Chăm, K’Ho, Rắc Lay, Nùng, Hoa…, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa khác nhau, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ cùng nhau phát triển tạo nên bức tranh đa dạng, sinh động.
Khi mới được tái lập, huyện gặp không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, hạ tầng kinh tế - xã hội đến nền kinh tế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún, năng xuất, sản lượng thấp. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, tạo điều kiện của MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, trên cơ sở xác định đúng chiến lược phát triển và bước đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Bình đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp thành các Nghị quyết chuyên đề, lần lượt thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc và đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Không chỉ sở hữu diện tích đất rộng nhất tỉnh Bình Thuận, Bắc Bình còn là huyện nắm giữ nhiều lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội. Địa phương quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao, phù hợp với mô hình chăn nuôi đàn gia súc lớn. Đặc biệt, tận dụng tài nguyên biển, Bắc Bình còn có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với các dịch vụ thể thao trên biển. Bên cạnh đó, khai thác – chế biến sâu titan và sản xuất nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời cũng là thế mạnh của huyện.
Tận dụng những lợi thế của địa phương, Bắc Bình đã tìm hướng đi mới và phù hợp để phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Nhờ các mô hình nông nghiệp mới, phát triển du lịch biển, công nghiệp năng lượng, sản xuất năng lượng “sạch”, công nghiệp chế biến… nền kinh tế của huyện đã ghi nhận nhiều khởi sắc và tạo tạo bước đột phá về kinh tế trong tương lai.