Đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 47 đô thị các loại



Đô thị tại Thanh Hóa là những đô thị Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa được các cơ quan nhà nước ở Việt Nam có thẩm quyền ra quyết định thành lập và xếp loại. Tỉnh Thanh Hóa có bốn loại đô thị với tổng số 34 đô thị: 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 28 đô thị loại V; ngoài ra còn có nhiều khu vực nông thôn đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V. Tính đến ngày 1/2/2024, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 38,51%, quy mô dân số đô thị là 1.677.934 người. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 47 đô thị các loại.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới. có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 50% trở lên. Đến năm 2030, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 75%; năm 2030 đạt 80%.

Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.

Về phương án phát triển đô thị: tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 47 đô thị các loại; trong đó, 01 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa: sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thanh Hóa); 02 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn); 01 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 43 đô thị loại V. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 47 đô thị; trong đó, 01 thành phố là đô thị loại 1 (Đô thị Thanh Hóa); 02 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn; thành phố Nghi Sơn); 04 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới 03 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo quy định của pháp luật có liên quan.






Xem thêm